Pháp thuộc Chia cắt Việt Nam

Khi thực dân Pháp đánh Đại Nam, Đại Nam bị chia ra làm ba xứ riêng lẻ (Nam Kỳ - Cochinchine, Trung Kỳ - Annam, Bắc Kỳ - Tonkin) với 3 chế độ cai trị khác nhau nhưng vẫn nằm trong Liên bang Đông Dương, phục vụ cho chính sách được gọi là "chia để trị", "dùng người Việt trị người Việt".

Nam Kỳ là nơi mà người Pháp, về mặt pháp lý, xem là của họ từ hiệp ước nhượng ba tỉnh Nam Kỳ của Tự Đức và sau đó họ hành quân chiếm thêm 3 tỉnh với lý do nhà Nguyễn vi phạm hiệp định hòa bình. Bắc Kỳ và Trung Kỳ, về danh nghĩa pháp lý, được người Pháp xem là đất mà họ bảo hộ một triều đình "độc lập" của An Nam.

Trên thực tế cả ba vùng vẫn nằm trong một tổng thể thống nhất là Liên bang Đông Dương, các vùng đóng vai trò mỗi bang trong một liên bang thống nhất. Lúc này không có sự chia tách về kinh tế-xã hội khi người dân vẫn được tự do đi lại giữa các vùng, sử dụng chung một đồng tiền duy nhất. Toàn bộ Việt Nam vẫn nằm dưới quyền cai trị của Toàn quyền Đông Dương.